Truyền bản Kinh_Kim_Cương

Hiện có sáu bản dịch của kinh này trong Hán tạng.

  1. Kim cương bát-nhã-ba-la-mật kinh (zh. 金剛般若波羅蜜經), Cưu-ma-la-thập dịch
  2. Kim cương năng đoạn bát-nhã-ba-la-mật kinh (zh. 金剛能斷般若波羅蜜經), Đạt-ma-cấp-đa dịch
  3. Kim cương bát-nhã-ba-la-mật kinh (zh. 金剛般若波羅蜜經), Chân Đế dịch.
  4. Kim cương bát-nhã-ba-la-mật kinh (zh. 金剛般若波羅蜜經), Bồ-đề-lưu-chi dịch.
  5. Năng đoạn kim cương phần (zh. 能斷金剛分), hội thứ 9 của bộ Đại bát-nhã kinh, Huyền Trang dịch.
  6. Phật thuyết năng đoạn kim cương bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh (zh. 佛說能斷金剛般若波羅蜜多經), Nghĩa Tịnh dịch.
Hình ảnh bản gốc Kim Cương Kinh in đời nhà Đường, năm 868

Phạn bản của kinh này đã được Edward Conze dịch và chú giải. Trong tất cả các bản Hán dịch thì bản của Cưu-ma-la-thập là nổi danh nhất, được dịch sang tiếng Việt nhiều nhất.

Tên Phạn Vajracchedikā Prajñāpāramitā đã được tìm thấy và xác nhận ở nhiều bản dịch, thứ nhất là bản Hán của Đạt-ma-cấp-đa, sau là bản dịch tiếng Tây Tạng và trong tác phẩm Tập Bồ Tát học luận của Tịch Thiên. Nhà Ấn Độ học Max Müller gọi ngắn là Diamond Sutra, ta cũng thường gặp tên ngắn là kinh Kim cương. Nguyên nghĩa của tên Phạn là "Bài kinh về một loại Bát-nhã-ba-la-mật-đa [sắc bén] có khả năng cắt đứt cả kim cương".